Khi viết Content Facebook cần chú ý điều gì? Cùng Digizone tìm hiểu các lỗi phổ biến trong Content Facebook qua bài viết dưới đây.
1. Tiêu đề và phần mở đầu Content Facebook không thu hút
Ngoài banner, mẫu quảng cáo thường chỉ hiển thị 3 dòng đầu tiên. Người xem có dừng lại đọc hết tiêu đề hay tò mò để bấm xem thêm hay không là do sức hấp dẫn của phần mở đầu này. Mình thường nói với các bạn: “Đừng bao giờ lãng phí vị trí vàng, hãy chọn những gì đắt giá nhất đem lên đây”.
Những lỗi đặt tiêu đề phổ biến là: tiêu đề trôi tuột, không có điểm nhấn, mang tính kể lể đơn thuần. Phần dẫn dắt các bạn hay rơi vào trạng thái dài dòng dẫn tới ý hấp dẫn bị rơi xuống dòng 4, 5, 6 hoặc tận cuối bài… rất lãng phí. Để tiết kiệm diện tích vàng, bạn không nên để khoảng cách dòng trống sau tiêu đề.
Gợi ý: Nên có những con số, sử dụng câu hỏi, tính từ, động từ, có cảm xúc…
2. Viết lan man, dài dòng
Format của Content Facebook hoàn toàn khác với website. Nhiều bạn dẫn dắt quá dài dòng văn tự, viết 1 đoạn dài 5-7 dòng, không xuống dòng nên text dồn thành cục, đọc mãi không thấy ý chính. Người xem không đủ kiên nhẫn để đọc hết đâu, vì vậy hãy viết ngắn gọn và súc tích.
Gợi ý: Bạn nên dùng cấu trúc câu ngắn gọn, dễ hiểu. Nếu bài có nhiều đoạn, hãy để tối đa 3-4 dòng sẽ dễ nhìn, người xem đọc lướt vẫn nắm được ý. Sau khi viết xong, hãy đọc kỹ và bỏ bớt ý thừa, từ thừa. Những từ hoặc câu bỏ đi mà ý nghĩa vẫn không thay đổi thì được xem là thừa.
3. Viết hời hợt, chung chung
Lỗi này xuất phát từ việc nghiên cứu không đủ sâu. Người viết không mang lại thông tin, kiến thức, giá trị gì cho người đọc. Một nguyên tắc cần nằm lòng là “3 phần nghiên cứu 1 phần viết”, hãy “mài rìu trước khi đốn cây”. Làm sao bạn có thể truyền tải thông điệp trọn vẹn tới khách hàng khi thông tin không có, không hiểu về sản phẩm, không rõ đối tượng người đọc là ai?
Ngoài ra, người đọc không thể bị thuyết phục bởi những câu chung chung như: “Sản phẩm này rất tốt, giúp bạn tiết kiệm thời gian, chất lượng cao, hiệu quả nhanh chóng”. Ở đây lý lẽ đưa ra không có căn cứ, số liệu nào cụ thể.
Gợi ý: Làm rõ giá trị mà sản phẩm mang lại như: Tiết kiệm bao nhiêu thời gian? Giá tốt là tốt như thế nào, thấp hơn bao nhiêu % so với giá thị trường? Nhanh là bao lâu? Sản phẩm được làm từ chất liệu gì?…
4. Viết rập khuôn 10 bài như 1
Lỗi này là do thói quen viết theo lối mòn, không có sự sáng tạo và đổi mới. Bài nào cũng bắt đầu từ đặt vấn đề, nỗi đau, giải quyết vấn đề…. Cấu trúc các bài viết quá giống nhau, đến bạn cũng phát chán với bài của mình thì đừng mong người đọc hứng thú.
Gợi ý: Bạn có thể tham khảo các công thức viết Content: AIDA, FAB, GARY HALBER, AIDPPS, 3S… Đặc biệt là nên lập dàn ý trước khi viết, linh hoạt thay đổi qua từng bài viết.
5. Quá tham thông tin
Không xác định được đâu là thông điệp chính của bài, kể lể hàng loạt lợi ích nghe có vẻ đa năng nhưng không biết cái nào là nổi bật. Thay vì bài nào cũng như bài nào, kể ra 5 lợi ích hay tính năng của phần mềm A, hãy chia nhỏ thành các angle khác nhau, mỗi bài tập trung giải quyết 1 vấn đề.
Gợi ý: Càng chia nhỏ càng có thể phân tích sâu và thuyết phục.
6. Lỗi chính tả
Content dù có hay nhưng lại sai chính tả thì giống như đang ăn cơm ngon mà có sạn. Lỗi này thì team mình không gặp vì mình tuyển nhân viên tiêu chí đầu tiên là không viết sai chính tả.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Là người làm việc với con chữ, hãy thận trọng và chịu trách nhiệm với điều mình viết ra.
Gợi ý: Hãy đọc sách nhiều, đọc kỹ sau khi viết, từ nào không chắc thì tra Google, cài phần mềm kiểm tra chính tả trên máy tính để cảnh báo khi có từ viết sai.
7. Lỗi dùng từ
Lỗi này gặp phải là do sự hiểu biết chưa tỏ tường hoặc tâm lý “dễ dãi” trong cách dùng từ; do không hiểu chính xác nghĩa của từ, diễn đạt nhẹ thì chưa đúng ý, nặng thì sai lệch hoàn toàn. Điều này đúng với câu “sai một ly, đi một dặm”. Ngoài ra, một lỗi phổ biến là “lặp từ”, quá nhiều từ giống nhau trong 1 câu hoặc những câu gần nhau.
Gợi ý: Hãy khắc phục bằng cách dùng từ thay thế: đồng nghĩa, gần nghĩa, hoặc khó quá không nghĩ ra từ gì thay thế thì chọn các diễn đạt khác.
8. Lỗi ngữ pháp
Content Facebook cần ngắn gọn súc tích, thế nhưng không có nghĩa là bạn được tuỳ tiện viết “câu cụt, câu què” (câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ hoặc có khi thiếu cả 2 – chỉ mới có trạng ngữ chỉ mục đích. Ví dụ: Nhằm mục đích giúp chị em phụ nữ xinh đẹp hơn. Bộ sản phẩm chăm sóc da ABC có tác dụng XYZ. Nhiều bạn viết lủng củng, câu văn không rõ nghĩa, đọc nhưng không hiểu gì, sử dụng sai dấu câu (chữ một đằng, dấu câu một nẻo).
Gợi ý: Đọc lại Ngữ pháp tiếng Việt (câu đơn, câu ghép, câu đặc biệt, câu rút gọn).
9. Thiếu logic
Lỗi này nhiều bạn mắc phải vì chưa biết cách sắp xếp ý nào trước, ý nào sau. Có bạn thì sau headline là đi thẳng tới thân bài và kết mà không có phần dẫn dắt, có bạn viết xong lửng lơ không có kết luận hay CTA gì, cũng có bạn cùng một ý mà lặp lại 2-3 lần. Hoặc có bạn cóp nhặt trên mạng, “xào nấu” xong chả thèm sắp xếp lại cho logic, nên mọi thứ cứ rời rạc, đoạn trước đoạn sau chả liên quan gì đến nhau.
Gợi ý: Trừ những bài viết có dụng ý đặc biệt như một cú twist bất ngờ, bạn có thể viết theo trình tự thời gian, nguyên nhân – kết quả, quan trọng – ít quan trọng, gần – xa, đảo ngược… Ngoài ra, hãy sử dụng các từ nối như: Vì vậy, cho nên, tuy nhiên, thật ra thì, rõ ràng là…
Viết xong, bạn nhớ đọc lại thật kỹ xem các nhóm nội dung gần giống nhau đã xếp gần nhau chưa; đọc lần lượt các ý, đừng đọc một cách tùy ý. Người viết cần hiểu và biết cách sử dụng phép phân tích hoặc tổng hợp, có luận cứ – luận chứng rõ ràng.
10. Văn phong không phù hợp
Điều này rất quan trọng. Khi viết Content Facebook, bạn cần biết mình đang viết cho ai và dùng ngôn ngữ sao cho phù hợp. Văn phong cần bám sát tính cách thương hiệu và đối tượng hướng đến. Hãy xác định rõ giới tính, độ tuổi, thu nhập, nghề nghiệp, đẳng cấp của người đọc.
Gợi ý: Nếu bạn viết sản phẩm B2B cho đối tượng M-Level, C-Level, D-Level thì đừng sử dụng giọng văn non nớt, đùa vui thiếu nghiêm túc, bắt trend nhí nhảnh, mà thay bằng sự chắc chắn, chững chạc, tin cậy, hiểu biết. Khi viết cho mẹ và bé thì cần nhẹ nhàng, tình cảm. Viết sản phẩm cao cấp thì nên có một bộ sưu tập ngôn từ “sang chảnh, đẳng cấp”, không đưa văn nói vào văn viết, câu quá cục súc hay kêu gọi hành động “Giảm giá nè”, “Mua ngay đi”. Cùng là thời trang nữ, nhưng trang phục công sở sang trọng phải khác với thời trang tuổi teen.
11. Thiếu điểm nhấn
Đây là bài viết đúng, đủ ý, không có gì sai, nhưng lại không hay. Đọc từ trên xuống nhưng không có gì mới mẻ, không đọng lại gì cho người đọc, quá an toàn với những dẫn chứng mờ nhạt.
Gợi ý: Khi viết xong một bài viết mà bạn tự thấy cực kỳ thích, cực kỳ tâm huyết, muốn khoe bài viết này với nhiều người thì hãy nên nộp bài. Hãy bổ sung bằng cách đặt một tiêu đề ấn tượng, thêm những con số để tăng tính thuyết phục, có thông tin mới hay kiến thức giá trị, tìm một câu trích dẫn hay, biến tấu với trend, thêm cảm xúc vào bài…
12. Trình bày xấu
Trình bày xấu ở đây nghĩ là giao diện của bài Content Facebook (chỉ tính riêng phần text) quá cẩu thả hoặc quá màu mè. Ngoài phần ý nghĩa thì phần dễ đọc, dễ nhìn cũng rất quan trọng, nó cũng tạo nên cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực với người đọc. Bài viết có quá nhiều icon tạo cảm giác rẻ tiền, trẻ con, thiếu chuyên nghiệp. Bài viết quá nhiều chữ, đoạn quá dài khiến người đọc khó chịu và lướt qua vì không đủ kiên nhẫn nắm bắt ý chính.
Gợi ý: Tuỳ lĩnh vực mà cách trình bày khác nhau, các ngành giải trí, ẩm thực, thời trang có thể sử dụng nhiều icon hơn. Tuy nhiên, cần được tiết chế ở mức vừa phải (3-5 icon là tối đa). Bài viết đẳng cấp hay B2B thì đừng có chèn hoa lá cành, khóc cười các kiểu…
13. CTA không đủ mạnh mẽ
CTA chưa đủ mạnh mẽ nghĩa là chưa đủ thuyết phục để khách hành động. Mình làm Performance Marketing nên mục tiêu cuối cùng là muốn khách hàng điền lead, inbox, comment, click to web… CTA cần đi đúng vào hành động mà bạn muốn họ thực hiện. Đồng thời nên cá nhân hoá, tạo cảm giác ưu đãi này đang dành riêng cho họ, cơ hội rất quý giá… Tuy nhiên, CTA cũng cần tránh vi phạm chính sách.
Thay vì dùng “Mua ngay”, “Xem thêm”, “Tìm hiểu thêm”, “Link cho ai quan tâm”…, bạn hãy thử đổi thành “Ưu đãi dành riêng cho bạn” hoặc “Chỉ còn 3 ngày, đăng ký ngay tại đây”, “10 suất cuối cùng”, “Xem ngay case study thành công”, “Số lượng có hạn giữ chỗ ngay”…
14. Vi phạm chính sách
Mình phải công nhận một điều: Chính sách quảng cáo là một thứ rất kìm hãm những người viết lách. Dù thực lòng muốn viết rất hay, rất kỹ càng chi tiết nhưng luôn phải né tránh những câu từ Facebook cho là nhạy cảm nếu không muốn bài “không chạy được”. Khi sửa xong, “lách” xong nhìn lại có khi không nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa.
Có nhiều lỗi dễ mắc như: điều trị tận gốc, cam kết trị mụn, các từ ngữ chỉ bệnh tật, ốm đau…. nói chung là nhiều lắm. Bạn tìm hiểu qua các bài viết trên group nhé. Viết xong nhớ đọc kỹ và nhờ team chạy ads kiểm tra giúp.
15. Chỉ tập trung vào quảng cáo
Cuối cùng, mình muốn nói là chúng ta làm quảng cáo nhưng đừng cố chỉ quảng cáo. Khách hàng rất cảnh giác với hàng vạn quảng cáo xung quanh. Đôi khi sự chân thật, tinh tế, nhẹ nhàng mới chạm tới suy nghĩ và hành động của họ. Còn những mẫu quảng cáo có cánh như “sản phẩm của chúng tôi rất tốt”, “chúng tôi là số 1”, “hàng đầu”, “vô địch về…” thật sự chỉ tạo cảm giác nghi ngờ mà thôi.
Gợi ý: Đừng chăm chăm nói về mình, hãy dành sự tập trung về khách hàng, nói điều họ muốn nghe, dành sự ưu ái, cá nhân hoá, trân trọng họ, mang lại lợi ích và giá trị, giải quyết vấn đề của họ, đưa ra giải pháp, nói có sách mách có chứng…
>>> Xem thêm: 7 sai lầm khi quản trị nội dung Fanpage
Kết luận
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc thực hiện Content Facebook. Đừng quên theo dõi các số tiếp theo của Digizone để cập nhật kiến thức hữu ích!